Lựa lời mà nói
28/08/18
Sử dụng ngôn từ khi trao đổi, viết, giao tiếp tác động dữ dội đến cảm xúc của người đón nhận.
Ví dụ:
Nói “nó thích ăn ngọt lắm” chưa đủ xi nhê, thay bằng “nó thích ăn ngọt tới nỗi cầm hộp sữa Ông Thọ uống cũng được” là nghe thấy gớm rồi (không có ý đồ quảng cáo Vinamilk).
Nói “em đẹp quá” sao bằng “sắc đẹp của em làm anh rớt điện thoại” thì cô gái nghe sướng hơn nhiều.
Lúc ăn gỏi sen thấy còn tơ lơ thơ, thay vì nói “ngó sen đó, còn dính tơ” thì phán 1 câu “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” là thấy vừa hiểu thực vật, vừa biết Kiều để đọc chơi liền.
Nói “tui không biết đường đâu” có thể sẽ gây ra cảm xúc khác với câu “tui đây tuy trên thông thiên văn nhưng dưới chưa tường địa lý“.
Viết “sức khỏe tốt, nhiều năng lượng” trong Bức tranh cuộc đời sao bằng 4 chữ “thần thái phi phàm“. Để bổ sung từ vựng có thể đọc thêm kiếm hiệp Kim Dung.
Ngày xưa từng viết những chữ thể hiện niềm vui bằng 1 câu nhỏ “hạnh phúc bò loanh quanh” thay vì “vui quá vui quá!”
Nghĩ gì viết nấy. Nội dung câu chuyện đến từ những nhân vật sau: Hoàng Thanh Phong, Dang Thi Lan Huong, David Nguyen
– Đoàn Huỳnh Vân Anh –
Sài Gòn, ngày 08-05-2016