Học bao lâu không bằng học bao sâu
Nhớ lại thời học sinh, đã bao giờ bạn trải qua tình huống như sau: Trước khi vào phòng thi bạn đã ôn bài rất kỹ, đọc hết trang sách này đến ghi chú kia. Tới khi bắt đầu làm bài thi, gặp đề bài “trúng tủ” vậy mà bao kiến thức bỗng chợt tan biến theo sương khói, và bạn giống như chưa bao giờ học bài học đó vậy.
Đây là một tình huống điển hình cho việc học bề mặt (surface learning). Đọc xong một cuốn sách hay, một bài nghiên cứu chất lượng hay đoạn clip hữu ích, bạn tưởng rằng mình đã thực sự biết, hiểu và đã HỌC được kiến thức đó rồi, nhưng thực tế không phải vậy. Trong trường hợp cần sử dụng đến chúng, bạn lại lóng ngóng, lúng túng không nhớ rõ hoặc chỉ nhớ mang máng vài ba phần mà thôi.
Để thực sự học THÀNH THẠO một kiến thức/ kỹ năng nào đó, cần thiết thực hành HỌC SÂU (deep learning). Khi học sâu, kiến thức mới được kết nối với hiểu biết có sẵn tạo nên liên kết chặt chẽ, bền lâu. Trong quá trình học, người học biết rõ mình cần lấy kiến thức gì, từ đó chủ động xây dựng nên hiểu biết của mình, không phụ thuộc nhiều vào người dạy. Quan trọng nhất chính là cho phép bản thân trải qua những khó khăn “vừa sức”, vì chính khi “vặn óc suy nghĩ” là lúc bạn đang học sâu, nhớ lâu.
Học bao lâu không bằng học bao sâu. Bạn đang học “sâu” bao nhiêu?