CHẤP NHẬN ĐỂ YÊU THƯƠNG

Trong Hành Trình Tuổi 20, đa số các bạn đều là nữ. Các bạn nữ thường có xu hướng chịu ảnh hưởng từ văn hóa truyền thống và định kiến xã hội, vô hình chung sẽ có một gánh nặng đặt trên vai là bạn phải như thế này, phải sống như thế kia, khiến bạn cảm thấy khó để chấp nhận một phần nào đó của mình

Ví dụ, một bạn nữ Hành Trình Tuổi 20 rất thích phong cách sống vô tư, chuộng ăn uống ở ngoài thay vì nấu nướng tại nhà, cuộc sống hướng về tận hưởng nhiều hơn. Bạn thấy rõ là mình muốn sống như vậy, mình thoải mái, hạnh phúc khi làm điều đó. Tuy nhiên những người xung quanh, từ gia đình đến đồng nghiệp, thậm chí là người yêu vẫn thường hay góp ý, nhận xét rằng bạn sống quá vô tư, là con gái nhưng không chịu lo lắng chăm chút cho gia đình, không đảm đang, nữ công gia chánh thành ra cũng hơi vô tâm. Cách bạn muốn sống là A, cách thế giới kỳ vọng bạn phải sống là B, vậy là mâu thuẫn. Bạn đứng giữa 2 ngã đường, 2 lựa chọn và cố gắng tìm kiếm sự cân bằng. Dù lựa chọn sống theo cách nào, bạn vẫn cảm thấy khó chịu.

Một câu chuyện nữa về chấp nhận bản thân của một khác trong Hành Trình Tuổi 20: Chị là vợ, là mẹ của 2 đứa con nhỏ. Vì lý do công việc nên chị hay về nhà khuya. Chị không có nhiều thời gian để làm việc nhà, để nấu cơm, giặt giũ, mua sắm cho chồng con. Mặc dù chị đã lựa chọn là người phụ nữ của công việc, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn hay tự dằn vặt chính mình rằng tại sao mình không lo lắng được cho gia đình, chưa làm trọn vai trò người vợ, người mẹ. Chị trải qua một thời gian dài để hiểu được rằng mối quan hệ với chính mình là mối quan hệ quan trọng nhất. Chị dần chấp nhận mình là một người phụ nữ ham công việc, chưa làm tốt trong việc hậu cần.

Trong khi bạn nữ luôn có xu hướng tự dằn vặt chính mình vì không lo được cho người khác, bạn nam dằn vặt vì bản thân chưa có sự nghiệp vẻ vang như bạn bè. Phụ nữ có sự nghiệp chông chênh, không sao cả. Nhưng nếu đàn ông ra trường hay đã có gia đình mà sự nghiệp vẫn chưa ổn định, ít nhiều bản thân cũng thấy bức bối.

Chấp nhận chính mình không có nghĩa là ngừng phát triển, nghĩ rằng bản thân như vậy là đã tốt rồi, không cần phải làm gì để tốt hơn nữa.

Một bạn chấp nhận chính mình mong MUỐN mình tốt hơn chứ không cảm giác mình PHẢI tốt hơn.

Đó là khi bạn thấy mình vẫn còn những điểm yếu, những điều chưa tốt, rằng mình chưa hoàn hảo, nhưng bạn luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái với điều đó. Bạn mong muốn phát triển bản thân vì muốn thử thách chính mình, tiếp tục tiến bộ với tâm trạng thoải mái. Bạn rất sẵn lòng đón nhận góp ý từ người khác, thừa nhận những sai sót, những điểm chưa hoàn hảo của mình và tìm cách để làm tốt hơn. Từ đó bạn yêu thương và trân trọng mọi thứ thuộc về bạn, dù tốt hay xấu. Có chấp nhận mới có yêu thương, yêu bản thân mình được thì mới yêu người được.

Vậy làm sao để bắt đầu chấp nhận chính mình đây?

Bất cứ khi nào trong tâm trí xuất hiện 2 chữ đúng – sai, thì ngay lập tức nói với chính mình rằng không hề có đúng sai gì cả. Vì đúng sai tạo sự kỳ vọng, buộc mình PHẢI sống đúng với những kỳ vọng đó.

Bạn có công việc không như ý do chưa đủ khả năng. Thay vì trách móc thì bạn có thể chấp nhận năng lực hiện tại. Tiếp theo bạn nỗ lực cho những kỹ năng cần thiết để có được vị trí mong muốn. Không đúng không sai, không kỳ vọng không thất vọng.

Chấp nhận bản thân là điều đầu tiên bạn cần làm cho chính mình nếu các bạn muốn có một tình yêu tốt, một sự nghiệp tốt và một cuộc sống hạnh phúc.

Chúc các bạn có một năm 2016 tuyệt vời.

– Hoàng Thanh Phong –

14/07/2016

QR_UI Trợ giúp